Từ xưa đến nay, ngà voi được xem là một trong những vật phẩm quý giá; là biểu tượng của sức mạnh, cái đẹp và góp phần làm nên nét quyến rũ ngàn đời của văn hóa Tây Nguyên.
Ngà voi là 2 chiếc răng cửa của con voi đực phát triển mà thành. Voi cái không có ngà hoặc chỉ có một cặp ngà nhỏ xíu gọi là “ngà chuối tiêu”. Khi mọc ra khỏi miệng, ngà thoi dần và đầu mút nhọn, dài từ 1 - 1,5m, mỗi chiếc ngà nặng từ 15 - 20 kg.
Ngà voi, trầm hương... là những món hàng
xuất khẩu mang lại thương hiệu cho ngành ngoại thương Việt Nam thời cổ
trung đại. Ngà voi cũng là vật triều cống được các quốc vương phong
kiến ưa chuộng. Sách sử đã chép rằng vua Champa từng triều cống cho vua
Trung Hoa 168 mẫu ngà voi. Ngày xưa, ngà voi nguyên cặp có trau chuốt
dùng để trưng bày, biểu hiện sự giàu sang, quyền quý của các vua,
chúa. Ngày nay, ngà voi còn có nhiều công dụng trong cuộc sống, chúng
được dùng vào nhiều mục đích khác nhau như làm nguyên liệu cho các mặt
hàng mỹ nghệ, trang trí nội thất và đồ trang sức đắt tiền. Các triều đại
phong kiến Việt Nam, voi được dùng trong hoạt động cung đình và quân
sự. Tượng binh là một binh chủng quan trọng tạo nên sức mạnh của một
vương triều. Cùng với cái vòi, cặp ngà là phương tiện tự vệ vô cùng lợi
hại, giống như 2 lưỡi đao sử dụng khi đánh gần. Thời nhà Nguyễn, voi
đực có ngà là “con cưng” của chốn hoàng cung. Khi ra khỏi hoàng thành,
vua và hoàng tộc ngự giá bằng voi. Voi đực hai ngà thường đi đầu và
đoàn ngự giá theo sau. Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, đã
từng sở hữu một đội voi đông đảo gồm 38 con đực có ngà dài ở Lạc Thiện
(huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc). Chúng dùng để phục vụ vua và các vị cận thần
cưỡi đi săn, ngoạn cảnh sông suối, núi rừng Tây Nguyên và thị uy với
thổ dân.
Trong tập quán trang sức của đồng bào
Tây Nguyên, người ta không thể không lưu ý đến tục “cà răng căng tai”.
Những người giàu có, khá giả thường đeo cặp bông tai làm bằng ngà voi
kéo đôi tai dài đôi khi gần đến vai. Tập quán này được nhắc đến trong
các câu ca dao của người Mơ Nông như: “Hợp với tai mới đeo ngà voi; hợp
với cổ mới đeo xâu cườm; hợp với đầu mới quấn cườm hoa”. Đàn ông, đàn
bà dân tộc Mơ Nông , Mạ, X'tiêng, Bih... đều thích đeo bông tai ngà
voi. Đặc biệt khi tiếp khách, đi thăm họ hàng, bạn bè, đi dự lễ hội...,
họ thường đeo cặp ngà cho thêm phần sang trọng. Vì thế đôi bông tai ngà
voi trị giá bằng một con trâu có sừng dài một “hăt” (một đơn vị đo
chiều dài cổ truyền của người Mơ Nông, được tính từ cùi chõ đến ngón
tay giữa khi được duỗi thẳng) hoặc bằng một chiếc ché cổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét